Cách thoát khỏi khách sạn nhanh chóng khi gặp hỏa hoạn

Che mũi và miệng bằng khẩu trang ướt, giấy ướt, khăn mặt thấm nước để lọc không khí và chờ người đến cứu.

Đầu tiên, khi đến khách sạn hoặc bước vào một ngôi nhà cao tầng, các bạn nên tìm vị trí của cầu thang bộ, cầu thang thoát hiểm. Bởi nếu chẳng may xảy ra hỏa hoạn, thì cầu thang bộ, thang thoát hiểm, thậm chí cuộn dây vòi nước chính là thứ bạn cần.

Điều quan trọng không kém là trong bất kỳ trường hợp nào, bạn cũng phải giữ bình tĩnh để tự tìm cách thoát thân. Đã có nhiều trường hợp tử vong đáng tiếc do quá hoảng loạn vì giẫm đạp lên nhau hoặc ngồi yên chờ cứu hộ, thậm chí cố thoát khỏi hiện trường đám cháy mà không quan tâm đến sự nguy hiểm.

Trường hợp đám cháy chưa lan đến phòng

Gọi cứu hỏa, cấp cứu

Khi phát hiện có dấu hiệu hỏa hoạn (ngửi thấy mùi khét, thấy khói, lửa cháy, chuông báo cháy kêu…) thì du khách phải tìm cách di chuyển ra khỏi nhà/phòng ngay tức khắc. Bên cạnh đó, cần xác định vị trí của ngọn lửa, hướng gió, vị trí nguồn khói để chọn hướng di chuyển hoặc góc lánh nạn hợp lý nhằm giảm sự ảnh hưởng từ ngọn lửa như sức nóng, khói thổi. Hãy la lớn để mọi người cùng thoát nạn. Đồng thời, gọi điện thoại cứu hỏa (114) và 115 (cấp cứu) thông báo về địa điểm xảy ra đám cháy.

Nếu đám cháy chưa lan đến hành lang, bạn cần tìm cửa thoát hiểm gần nhất và thoát ra ngoài. Trường hợp ở gần tầng thượng hơn, hãy di chuyển lên tầng thượng thay vì di chuyển xuống dưới để tránh ngạt khói.

Nên nhớ lấy một chiếc chăn trùm kín người lại (không quá mỏng hay quá dày để dễ dàng di chuyển) và ra khỏi nhà ngay. Nếu có thể, hãy dùng giấy ướt hoặc khăn mặt ẩm bịt mũi, miệng để tránh ngạt khói.

Khi thoát ra ngoài cửa sổ hay hành lang, hãy gây chú ý với nhân viên cứu hỏa bằng cách vẫy tay, la hét. Nếu bị lửa làm cháy quần áo, phải ngưng chuyển động, che mặt, nằm xuống và lăn qua, lăn lại cho đến khi lửa được dập tắt. Không được chạy vì gió có thể làm lửa cháy bùng thêm. Không nhảy vào hồ bơi, bể chứa hay thùng nước vì nước có thể bị nấu sôi khi bị lửa tác động.

Không cố mang thêm tài sản

Khi gặp hỏa hoạn, không nên tiếc của, cố nán lại mang theo tài sản vì dễ gây nguy hiểm tới tính mạng. Nếu tận dụng thời gian để tìm cách chạy thoát, khả năng cao bạn sẽ thoát nạn và sống sót.

Không bao giờ dùng thang máy khi hỏa hoạn

Một trong những kỹ năng thoát hiểm khi hỏa hoạn xảy ra ở khách sạn hoặc nhà cao tầng là không bao giờ dùng thang máy. Vì khi đó, thang máy sẽ rất dễ bị ngưng giữa chừng cho ngắt điện hoặc đám cháy gây ảnh hưởng tới hệ thống đường điện.

Đóng kín cửa

Trong trường hợp thấy đám cháy đang lan đến phòng, hãy đóng kín cửa để ngọn lửa không bén vào phòng.

Tìm cách thoát ra ngoài

Sau khi đóng kín cửa, hãy dùng mu bàn tay chạm vào cánh cửa để cảm nhận sức nóng của bề mặt cửa.

Nếu chưa nóng, hãy từ từ mở cửa và quan sát xung quanh. Trường hợp thấy khói ở đằng xa và ước lượng thời gian để di chuyển ra chỗ khác an toàn hơn, nếu được hãy hành động ngay lập tức.

Trường hợp bề mặt cửa đã nóng, nghĩa là ngọn lửa đang tiến lại rất gần. Trong trường hợp này, bạn không được mở cửa mà phải tìm lối thoát khác như cửa sổ, cửa thoát hiểm…

Cách tránh khói và hơi độc

Theo các chiến sĩ cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy, trong các vụ hỏa hoạn, số lượng nạn nhân tử vong vì nghẹt thở do khói nhiều hơn là bỏng hay chết cháy. Bởi vậy, bạn cần nắm vững quy tắc tránh khói và hơi độc.

Để tránh bị ngạt thở vì khói và hơi độc, khi di chuyển, cần nằm sát mặt đất và trườn ra ngoài (sẽ tránh được đám khói, khí độc đang bay ở phía trên). Càng nằm sát đất bao nhiêu, bạn càng dễ thoát khỏi đám cháy.

Bên cạnh đó, bịt khăn hoặc vải thấm nước lên miệng, mũi khi trườn qua đám lửa để không hít phải khói. Lúc này, tấm vải sẽ trở thành mặt nạ phòng độc, giúp bạn lọc khí và thở dễ dàng hơn. Nếu có thể, hãy khoác thêm một chiếc áo được nhúng ướt nước.

Trường hợp bị kẹt trong phòng

Nếu kẹt trong phòng không thể thoát ra ngoài, hãy lấy vải ướt bịt chặt các khe cửa để chặn khói lan trong phòng, rồi chui xuống gầm giường và nằm sát xuống sàn nhà. Bởi gầm giường là nơi đầu tiên những người lính cứu hỏa để mắt đến khi tìm kiếm những người còn kẹt lại trong một vụ hỏa hoạn.

Che mũi và miệng bằng khẩu trang ướt, giấy ướt, khăn mặt thấm nước để lọc không khí và chờ người đến cứu.

Cố gắng đến được chỗ mà lực lượng cứu hỏa và cấp cứu có thể nghe hoặc thấy bạn.

Không mở cửa sổ

Tuyệt đối không mở cửa sổ vì oxy bên ngoài cửa sổ sẽ thu hút lửa từ cửa chính và làm bạn bị kẹt trong lửa.

Không nhảy từ trên cao xuống

Tuyệt đối không hoảng hốt, nhảy từ trên cao xuống sẽ rất nguy hiểm, chỉ nhảy trong trường hợp có lực lượng chức năng và người ứng cứu bên dưới.

Cùng Danh Mục:

Nội Dung Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *